Hai con người yêu nhau hết mình, nguyện hy sinh hết đã luôn được ở bên nhau ngày cưới. Những tưởng sẽ chỉ là những ngày ngập tràn hạnh phúc. Vậy mà theo tổng kết của ngành toà án, 80% số vụ ly hôn đã xảy ra ở các cặp vợ chồng có từ 1 đến 5 năm chung sống - thời kỳ trăng mật của hôn nhân. Làm thế nào để tránh cho cuộc hôn nhân của bạn khỏi bị "chết yểu"?
Nhập vai từ người yêu thành vợ (chồng) một cách thuần thục
Là người yêu bạn sẽ luôn có những cuộc hẹn hò lẵng mạn, những ngày đi pinic vui vẻ, những bữa ăn sang trọng ở nhà hàng dưới ánh nến chỉ có mắt nhìn vào mắt, tay trong tay; những món quà hấp dẫn, thi vị vào những dịp kỷ niệm hoặc bất ngờ chẳng có lý do gì. Còn khi đã làm vợ là phải dậy sớm vào bếp lo bữa sáng cho cả nhà. Chiều về lại sấp ngửa vào bếp nấu cơm chiều. Ăn xong lại phải dọn dẹp bếp núc, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo. Đó là công việc bình thường của đôi vợ chồng không bố mẹ già giúp đỡ, không có điều kiện thuê người giúp việc. Các bạn cần phải bàn bạc, xác định được vai trò, vị trí của mỗi người và nhập vai thuần thục. Nếu không tất cả sẽ rối tung lên, sẽ tỵ nạnh, giận dỗi, trách cứ là vỡ mộng và thất vọng.
Những thoả thuận cần thiết ngay sau ngày cưới
Hai bạn ra ở riêng hay sống chung cùng cha mẹ? Đóng góp tài chính với cha mẹ bao nhiêu (nếu ở chung)? Tiền lương hàng tháng sẽ do ai quản lý? Phân công việc nhà ra sao, ai đảm nhận việc gì? Khi nào sẽ sinh con? Những công việc riêng của mỗi người, những sinh hoạt thể thao, vui chơi, chuyện học hành cần thông báo cho nhau biết để sắp xếp thời gian, công việc gia đình được hợp lý. Người này vui vẻ chấp nhận và tạo điều kiện giúp đỡ người kia hoàn thành những kế hoạch của mình.
Cha mẹ là cha mẹ chung
Có những cô dâu tới 6 tháng về nhà chồng mà vẫn thỉnh thoảng vẫn buột miệng gọi mẹ chồng là cô hoặc bác khiến mẹ chồng phật ý, giận dỗi: "Trong lòng nó không coi mình là mẹ thật sự nên mới buột miệng như thế". Điều này thật đáng trách. Làm dâu, bạn phải gắn mình vào nhiều mối quan hệ trong một gia đình mới, trước lạ sau quen. Nếu bạn chân tình, cởi mở và cư xử với mọi người bằng tình cảm chân thật của một người bằng tình cảm chân thật của một người con đối với cha mẹ, người chị đối với các em, người em đối với anh chị.... thì bạn sẽ sớm hoà nhập được vào gia đình mới.
Là con dâu, điều tối kỵ là bạn đối xử thiên lệch: chỉ quan tâm tới cha mẹ mình mà thờ ơ, thiếu quan tâm tới cha mẹ chồng. Thậm chí có nhiều cô dâu còn tỏ ra coi thường, ác cảm với mẹ chồng, đem những chuyện không hay trong nhà chồng nói lại với người ngoài; săm soi, đòi hỏi, thu vén cho riêng mình, luôn không bằng lòng và giận dỗi, trách cứ nhà chồng... Bạn nên nhớ hạnh phúc riêng với vợ chồng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với gia đình hai bên.
Đừng vội vàng thủ tiêu sở thích thói quen của nhau
"Anh để tóc dài đi, để đầu "cua" thế này trông anh lấc cấc lắm, không ra dáng trí thức" .
Đã can thiệp vào một sở thích lâu năm của chồng, lại còn buông ra những lời bình phẩm thiếu nhã nhặn. Đương nhiên người chồng nóng gáy lên: "Đã thế tôi sẽ húi trọc xem cô làm gì được tôi nào!". Thế là giận dỗi, là khóc lóc, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.
Nhắc nhiều lần không xong, người vợ đặt bát cơm xuống, giằng mạnh tờ báo trong tay chồng cất đi. Lập tức người chồng cũng nhìn vợ trừng trừng rồi buông đũa đứng dậy. Thế là mâm cơm vừa dọn ra chỏng chơ, nguội ngắt, người vợ bỏ vào giường nằm khóc tấm tức. Đọc báo trong khi ăn là một thói quen xấu cần từ bỏ. Nhưng giá người vợ đừng nôn nóng, có hành động thô bạo mà mềm dẻo, tế nhị kiểu "mưa dầm thấu lâu" thì cuối cùng vẫn đạt được mục đích nhưng không gây ra "chiến tranh". Đồng thời còn rất nhiều sở thích của người này song lại là điều khó chịu đáng ghét ở người kia nhưng xét ra nó chẳng ảnh hưởng gì tới hạnh phúc chung thì hai người cần biết chấp nhận, nhân nhượng, tôn trọng sở thích của nhau.
Còn rất nhiều điều sẽ xảy ra ngay sau ngày cưới đòi hỏi cả hai người phải có ý thức, lòng quyết tâm và nghệ thuật mềm dẻo để vượt qua, để con thuyền gia đình không bị nhấn chìm ngay từ khi vừa mới rời bờ.
(Sưu tầm)
weddingbridal.vn